« Tin Mừng có sức biến đổi nếu như chúng ta chấp nhận để cho Lời Chúa biến đổi chúng ta. Vì thế đọc Lời Chúa là tiếp xúc, là nghĩ, là sống và hành động theo lời Ngài; và qua đó sẽ cảm nghiệm Ngài thực là đường, là sự thật và là sự sống vĩnh cửu cho ta. »

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ NHỮNG NGÀY TẾT ÂM LỊCH 2016

HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT
1. “Ngày cuối năm giúp các tín hữu suy niệm về ‘mầu nhiệm thời

gian’ vốn trôi qua rất nhanh và vô phương xoay chuyển. Suy niệm đó dẫn tới hai phản ứng nơi chúng ta: trước hết, tâm tình sám hối về những lỗi lầm đã phạm, và vì tất cả các cơ hội sống trong ơn nghĩa Chúa mà mình đã đánh mất trong suốt năm qua; sau là cảm tạ Thiên Chúa vì những ơn lành Người ban.”

Hai tâm tình này phát sinh các thực hành đó là đặt Mình Thánh Chúa để các tín hữu và tu sĩ có thể cầu nguyện lâu giờ; hát thánh ca Te Deum để dâng lời ngợi khen và cảm tạ vì những ơn huệ Chúa ban trong suốt năm qua . Ngoài ra, có nơi tổ chức canh thức cầu nguyện và kết thúc bằng thánh lễ. Thực hành này không chỉ biểu lộ ước muốn đền bù lại những tội lỗi mà còn đánh dấu một sự chuyển tiếp từ năm này qua năm khác, là một buổi canh thức được dâng lên Chúa như của đầu mùa cho một năm mới.

2. “Khởi đầu năm mới, các tín hữu đắm mình trong bầu khí lễ hội, chúc mừng nhau ‘năm mới tốt lành’. Tuy nhiên, trong khi vẫn giữ tập tục này, tín hữu có thể mang lại cho ngày đầu năm một chiều kích mới bằng cách nhấn mạnh ý nghĩa Kitô giáo của tập tục và còn có thể làm cho tập tục thành một việc đạo đức tôn giáo.”

“Các tín hữu biết rằng ‘năm mới’ được đặt dưới quyền năng tối cao của Chúa Kitô và do đó, khi chúc mừng nhau ‘năm mới’, họ minh nhiên ký thác năm mới cho Chúa toàn năng, Đấng làm chủ tất cả ngày, tháng, năm cho đến muôn đời (x. Cv 1,8; 22,13).

“Ước muốn đem đến cho ngày đầu năm một chiều kích trọn vẹn Kitô giáo, thể hiện trong tập tục rất phổ biến là hát kinh Chúa Thánh Thần trong ngày đầu năm, xin Ngài hướng dẫn suốt một năm , mọi tư tưởng, hành động của mỗi tín hữu và của các cộng đoàn giáo dân.”

Gợi lên một vài hướng dẫn của Giáo Hội để chúng ta có nền tảng suy nghĩ về những sáng kiến cử hành việc đạo đức và phụng vụ của chúng ta trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.

3. Để thánh hóa những ngày đầu năm Âm Lịch và làm cho tinh thần Tin Mừng thấm nhập vào đời sống, vào phong tục của các Kitô hữu, Giáo Hội Việt Nam đã thiết lập:

- Ngày 01: Tạ ơn Chúa và xin ơn ban Bình An cho Năm Mới.

- Ngày 02: Cầu nguyện cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ.

- Ngày 03: Thánh hóa Công Ăn Việc Làm.

Giáo Hội hướng ba ngày đầu năm về những tương quan mật thiết nhất làm nên nền tảng cuộc sống con người: đó là với Thiên Chúa, với cha mẹ (tha nhân), với bản thân qua công việc làm ăn, nhằm giúp các tín hữu sống những ngày đầu năm trong niềm vui đức tin và làm cho tinh thần Tin Mừng thấm đậm vào đời sống, vào các tương quan của họ. Giáo Hội Việt Nam đã khéo tận dụng tính linh thiêng của thời gian này để vun đắp đức tin của người tín hữu.

Thiết lập này có thể được coi là những ngày lễ “cầu mùa” (Rogation Days) của Giáo Hội địa phương. Đây là một việc Hội Nhập Văn Hóa rất tuyệt vời mang đến một giá trị lớn lao, khi thúc đẩy các tín hữu tích cực tham gia vào phụng vụ vì cảm nhận được những cử hành liên hệ mật thiết với thực tại đời sống, chạm vào chính cái sâu thẳm của lòng họ như việc nhìn nhận chủ quyền của Thiên Chúa trên đời sống, lòng hiếu thảo với cha mẹ và công việc mưu sinh của chính họ.

Những cử hành phụng vụ ngày đầu năm luôn được đông đảo các tín hữu đến tham dự vừa chứng tỏ giá trị nói trên, vừa là một ân huệ lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam. Đây là cơ hội quý giá để cầu xin ơn Chúa, đồng thời để giáo dục đức tin cho dân Chúa.

4. Những trình bày trên và chương trình phụng vụ được chuẩn bị dưới đây chỉ ước mong giúp người tín hữu có thể tham dự vào cử hành phụng vụ cách ý thức, tích cực và hữu hiệu, để nhờ ơn Chúa trợ giúp, đời sống đức tin của họ trong năm mới được đẹp lòng Chúa hơn. Ước gì chúng ta có thể thổi được cái “hồn” vào mọi cử hành, để tình yêu của Thiên Chúa có thể chạm đến trái tim của các tín hữu và biến đổi họ.